Hướng đi của Realme khá lạ, thay vì liên tục nâng cấp thông số cho những chiếc điện thoại mới của mình, thì hãng đã đi theo hướng bám sát mức giá tầm trung, và trang bị cho máy những công nghệ phù hợp. Realme 8 không có sự nâng cấp rõ ràng so với người tiền nhiệm. Tại sao lại như vậy? Bắt đầu cùng mình đi vào bài đánh giá Realme 8 để phân tích xem nhé.
Nội dung chính
Thiết kế
Mặt lưng của Realme 8 có 2 tông màu, có một dải màu khác chạy dọc thân máy chứa dòng chữ “DARE TO LEAP” rất là lớn. Kiểu thiết kế này không phải là mới. Đặc biệt, với phiên bản Cyber Silver sẽ có hiệu ứng bảy sắc cầu vồng ở cái dải đó. Kiểu thiết kế này, mình đã thấy đa số người dùng đã mua và hài lòng với cái mặt lưng như vậy. Còn bạn thì sao?
Máy có mặt lưng và khung đều hoàn thiện từ nhựa, và khá bám mồ hôi và dấu vân tay. Nhưng với lớp hoàn thiện trên Realme 8 Pro lại không bị bám mồ hôi và dấu vân tay, đỡ khó chịu hơn.
Nhược điểm lớn nhất khi mà Realme 8 và cả 8 Pro không xứng đáng với mức giá mà nó được ra đó chính là không có khả năng kháng nước, cũng không có miếng đệm quanh khay sim.
Kích thước của máy nhỏ hơn so với người tiền nhiệm một chút. Quay đến mặt trước, nhìn vào cái viền dưới của máy khá là dày, không cân đối với các viền còn lại. Cảm biến vân tay được đặt trong màn hình, tốc độ nhanh chóng.
Màn hình
Tấm nền đã được thay đổi. Thay vì LCD trên Realme 7, thì Realme 8 đã trang bị tấm nền Super AMOLED. Độ phân giải cũng không thay đổi là 1080 x 2400 pixel, mật độ điểm ảnh là 411 ppi.
Có một màn hình rực rỡ, màu đen sâu, tiết kiệm điện năng hơn. Nhưng lại chỉ có màn hình tốc độ làm tươi 60Hz. Mình vẫn chưa hiểu cách đi của nhà Realme nữa. Khi mà máy có mức giá khoảng 7 triệu đồng. Hiện smartphone tầm trung tầm giá đó hiện nay đã có màn hình 90Hz trở lên rồi. Độ sáng tối đa lên tới 1000 nits.
Giao diện và cấu hình
Realme 8 chạy trên Android 11 và Realme UI 2.0. Đây là giao diện tùy chỉnh của Realme với một vài tính năng được bổ sung. Nhìn vào giao diện này trông khá sạch sẽ, một chút đơn giản. Có tính năng tối ưu hóa game là Game Space, có hiển thị chỉ số chi tiết về hiệu suất và tỷ lệ độ phân giải, có cả chỉ số FPS…
Máy trang bị con chip MediaTek Helio G95. Con chip này đã trang bị trên Realme 7. Không có sự nâng cấp về cấu hình trên Realme 8. Con chip Helio G95 này được sản xuất trên tiến trình 12nm, CPU 2 nhân 2.05 GHz & 6 nhân 2.0 GHz, GPU Mali-G76 MC4, kết hợp với 6GB RAM và 128GB bộ nhớ trong.
Thật khó hiểu với những bước đi của Realme khi mà không trang bị con Realme 8 một bộ vi xử lý mới hơn. Chắc chắn, mọi người sẽ thích một con chip Snapdragon của Qualcomm hơn. Nhưng điểm mình thích trên con chip này là không bị quá nhiệt. Bên cạnh đó, giao diện Realme UI 2.0 đơn giản, mượt mà không bị hiện tượng giật khung hình mỗi khi thao tác sử dụng hằng ngày.
Camera
Realme 8 trang bị 4 camera. Nổi bật với camera chính 64MP sử dụng cảm biến Sony IMX682 (1 / 1.73 “, 0,8µm), khẩu độ f / 1.8. Camera siêu rộng 8MP với khẩu độ f / 2.3. Và còn có 2 camera phụ 2MP. Còn camera selfie có cảm biến IMX471 16MP.
Camera chính khi chụp ở điều kiện đầy đủ sáng tạo ra bức ảnh nhiều chi tiết, màu sắc sống động, dải rộng sáng vừa phải, noise ít. Một số chi tiết nhỏ hơi bị nhòe.
Có chế độ Tăng cường cảnh AI trước đây được gọi là Chroma Boost và Dazzle Color trong ứng dụng máy ảnh. Tạo ra một bức ảnh HDR với màu sắc bắt mắt, tùy thuộc vào từng cảnh. Có thể thấy được sự khác biệt về màu sắc giữa hình ảnh trên và dưới đây.
Dung lượng pin
Realme 8 có viên pin 5000 mAh có thể sử dụng cả một ngày thoải mái. Đây là mức dung lượng pin phổ biến cũng như ổn định thường thấy trên smartphone. Máy được hỗ trợ sạc nhanh 30W thời gian sạc từ 0 đến 50% trên viên pin 5.000 mAh này sẽ mất 26 phút và thời gian sạc đầy chỉ mất 65 phút.
Tạm kết
Nhìn bề ngoài của Realme 8 thì rất đẹp, nhưng khi đào sâu vào bên trong thì không có sự thay đổi so với người tiền nhiệm. Họ muốn giữ vững mức giá nối tiếp những đời sau không có nhiều điểm ấn tượng. Còn bạn cảm nhận như thế nào về chiếc điện thoại Realme 8 này?